2024-11-14 HaiPress
Ngày 14/11,Trần Thế Bảo (45 tuổi,Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Địa Bảo - tức Đia Bao Land) bị TAND TP HCM tuyên phạt án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra,Bảo còn bị TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên phạt 7 năm về cùng tội danh khi lừa bán đất cho khách hàng ở Bình Dương.
Trần Thị Hồng Gấm (42 tuổi,Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Bảo Long,vợ của Bảo,đã ly hôn) nhận 20 năm tù về cùng tội danh. Tòa buộc Bảo và Gấm liên đới bồi thường gần 129 tỷ đồng cho các bị hại.
Liên quan đến vụ án,4 đồng phạm của Bảo lĩnh 12 đến 14 năm tù.
Theo HĐXX,Bảo biết rõ công ty chưa nhận được quyền sử dụng đất,chưa chuyển mục đích sử dụng thành đất ở theo quy định pháp luật; chưa được cơ quan chức năng chấp thuận xây dựng hạ tầng kỹ thuật... đối với các thửa đất tại phường Cát Lái,TP Thủ Đức; tại huyện Củ Chi,TP HCM và huyện Đức Hòa,tỉnh Long An nhưng vẫn lập bản vẽ phân lô,xây dựng đường đi. Bị cáo sau đó cùng đồng phạm ký hợp đồng mua bán đất nền thổ cư không có thật hoặc hợp đồng góp vốn với 64 khách hàng để chiếm đoạt hơn 128,8 tỷ đồng.
"Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần,chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn nên cần xử lý nghiêm",HĐXX nêu quan điểm.
Bị cáo Trần Thế Bảo (ngoài cùng bên phải) cùng đồng phạm tại tòa hôm nay. Ảnh: Hải Duyên
Bản án xác định,Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Bảo Long (Công ty Bảo Long) có trụ sở tại quận Bình Thạnh,do Gấm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc,người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên,quá trình hoạt động kinh doanh do cả hai vợ chồng Gấm điều hành.
Tháng 11/2017,Bảo thỏa thuận mua 6.000 m2đất nông nghiệp ở phường Cát Lái,quận 2 (nay là TP Thủ Đức) của người dân với giá 85 tỷ đồng. Sau khi đặt cọc 5 tỷ,Bảo và Gấm thỏa thuận với chủ đất để được đo vẽ,làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng và lập quy hoạch xin cấp phép thực hiện dự án.
Tuy nhiên,khi chưa hoàn tất việc mua bán và lập dự án,vợ chồng Bảo đã phân khu đất này thành 70 nền,ký hợp đồng với nhiều công ty uỷ quyền để môi giới hoặc ký kết hợp đồng đầu tư với bên thứ 3 nhận tiền của khách.
Tiếp đó,vợ chồng này thỏa thuận với chủ đất mua thêm mảnh đất trồng lúa kế bên - hơn 1.300 m2,để làm đường giao thông và phân nền.
Công ty Bảo Long và các đơn vị môi giới sau đó đã quảng cáo,tư vấn,giới thiệu khách hàng mua các nền đất nêu trên,với 3 phương thức thanh toán theo tiến độ thi công. Công ty này còn cam kết tối đa trong vòng 187 ngày,kể từ ngày đặt cọc,sẽ hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đầu năm 2018,Bảo và Gấm cùng các công ty môi giới đã tổ chức lễ mở bán,nhận gần 117 tỷ đồng của 55 khách hàng.
Ngoài ra,Bảo,Gấm cùng Phan Nhân Ái (Tổng giám đốc Công ty Địa Bảo) còn thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các dự án không có thật tại huyện Củ Chi để chiếm đoạt hơn 9,4 tỷ đồng của 7 khách hàng khác.
Với hình thức tương tự,Bảo và Ái đã lập một dự án "ma" ở huyện Đức Hòa,Long An để bán cho hai khách hàng,chiếm đoạt gần một tỷ đồng.
Quá trình xét xử,Bảo và Gấm thừa nhận phạm tội vì "quá tự tin" mình có thể làm được dự án,và đã thực hiện được một số việc như tách thửa,làm đường hệ thống thoát nước... như đã cam kết với khách hàng. Tuy nhiên,do chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật nên đã sai phạm.
"Bị cáo không tẩu tán tài sản mà bán đất của gia đình để lấy tiền khắc phục thiệt hại cho khách hàng",Bảo phân trần.
Còn Gấm cho rằng số tiền thu được từ khách hàng đều giao lại cho chồng sử dụng cho hoạt động chung của công ty,một phần khắc phục cho bị hại.
Các bị cáo khác thừa nhận sai phạm,xin toà xem xét giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng tin tưởng vợ chồng Bảo thực hiện được dự án nên mới môi giới bán cho khách. Toàn bộ số tiền hưởng lợi đã nộp lại cho cơ quan điều tra.
Hồi năm ngoái,TAND TP HCM đã đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó trả hồ sơ điều tra bổ sung và xác định thêm hành vi lừa đảo của các bị cáo trong việc bán khu đất không có thật ở Củ Chi.
Hải Duyên