2025-04-24 HaiPress
Hãy tưởng tượng một sáng sớm se lạnh giữa cao nguyên Đà Lạt,bạn nhâm nhi ly cà phê trong sương mù,và chỉ vài giờ sau đã có thể đón hoàng hôn bên bãi biển Mũi Né.
Hoặc ngược lại,đón bình minh ở Phan Thiết,tối co ro uống sữa đậu nành ở hồ Xuân Hương,hôm sau đi Đăk Nông khám phá hang động,du lịch xanh.
Đây là là kịch bản hoàn toàn khả thi sau khi ba tỉnh Lâm Đồng - Đăk Nông - Bình Thuận sáp nhập.
Với hơn 24.000 km2 diện tích và 3,3 triệu dân,tỉnh Lâm Đồng mới sẽ không chỉ là địa phương có diện tích lớn nhất nước,mà còn có tiềm năng trở thành một cực tăng trưởng du lịch bền vững với mô hình trục du lịch núi và biển hấp dẫn.
Theo tôi,về mặt địa lý,hiếm có khu vực nào ở Việt Nam hội tụ được những đặc trưng du lịch nổi bật như thế. Lâm Đồng với Đà Lạt - thủ phủ du lịch cao nguyên,mang vẻ đẹp mộng mơ của rừng thông,khí hậu ôn hòa và các sản phẩm du lịch sinh thái,nghỉ dưỡng,nông nghiệp công nghệ cao.
Bình Thuận lại sở hữu bờ biển dài,khí hậu nắng ấm quanh năm,với những điểm đến nổi tiếng như Mũi Né,Phan Thiết,Kê Gà... vốn đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch,cả trong và ngoài nước.
Trong khi đó,Đăk Nông,tuy còn ít được khai thác mạnh về du lịch,lại đang là "viên ngọc thô" với hệ thống hang động,thác nước,công viên địa chất toàn cầu UNESCO - một tiềm năng chờ được đánh thức.
Về hiệu quả kinh tế,chỉ riêng năm 2024,hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận đã đón tổng cộng khoảng 20 triệu lượt khách. Trong đó,Bình Thuận đón xấp xỉ 10 triệu lượt,bao gồm gần 400.000 khách quốc tế đến từ các thị trường quan trọng.
Những con số này cho thấy không chỉ sức hấp dẫn hiện tại,mà còn là nền tảng vững chắc để toàn vùng phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nếu được hoạch định và đầu tư đúng hướng,việc hợp nhất ba tỉnh có thể mở ra một mô hình phát triển mới cho du lịch Việt Nam,nơi du khách không cần di chuyển quá xa để trải nghiệm những hình thái địa lý và văn hóa đa dạng.
Sáng ở cao nguyên,trưa xuống biển,chiều về núi rừng,một hành trình du lịch mà hiện nay,rất ít nơi trên thế giới có thể tổ chức trọn vẹn chỉ trong một tỉnh. Tuy nhiên,lợi thế địa lý và con số tăng trưởng du lịch không tự thân chuyển hóa thành giá trị bền vững nếu thiếu tầm nhìn quy hoạch và sự liên kết chiến lược.
Trên thực tế,một trong những rào cản lớn hiện nay của du lịch vùng Tây Nguyên,duyên hải Nam Trung Bộ chính là hạ tầng giao thông còn manh mún,thiếu kết nối. Nhiều tuyến đường liên tỉnh còn chưa được nâng cấp,giao thông công cộng chưa thuận tiện,các tour tuyến liên kết giữa núi - biển còn rời rạc.
Đơn cử như đèo Đại Ninh nối Bình Thuận và Lâm Đồng hiện tại đang được xây dựng mở rộng.
Nếu sáp nhập mà không đi kèm với quy hoạch tổng thể,thì việc hợp nhất hành chính có thể khiến các địa phương cạnh tranh nội vùng thay vì hỗ trợ lẫn nhau. Để trục du lịch "lên rừng,xuống biển" thực sự phát huy hiệu quả,điều cần thiết là một cơ chế liên kết vùng mang tính chiến lược.
Tỉnh mới nên quy hoạch các cụm du lịch đặc thù theo từng khu vực cao nguyên,trung du và duyên hải với kết nối giao thông,truyền thông,thương hiệu chung và chính sách hỗ trợ nhà đầu tư đồng bộ.
Việc nâng cấp sân bay Liên Khương,mở rộng quốc lộ,kết nối đường sắt (nếu có thể),và phát triển các tuyến du lịch xanh liên tỉnh cũng là những điều kiện tiên quyết. Một lợi thế lớn nữa của việc sáp nhập là khả năng xây dựng thương hiệu du lịch tổng thể cho vùng.
Thay vì quảng bá từng địa phương rời rạc,tỉnh mới có thể phát triển một chiến dịch truyền thông tập trung,chẳng hạn như "Lâm Đồng: Nơi rừng gặp biển" hay "Một hành trình - ba vùng trải nghiệm".
Khi đó,khách du lịch quốc tế sẽ không còn phải phân vân giữa Đà Lạt và Mũi Né,mà sẽ xem đó là những điểm đến nằm trong một tuyến trải nghiệm.
Nhìn chung,chúng ta đang đứng trước cơ hội để tái định hình bản đồ du lịch Việt Nam: từ những địa phương riêng lẻ,đến một tỉnh du lịch trọng điểm với đầy đủ tài nguyên thiên nhiên,nhân lực và bản sắc văn hóa.
Trương Phúc