Liên lạc với chúng tôi

Người tiêm vaccine bạch hầu tăng đột biến, Viện Pasteur hết hàng

2024-07-12 HaiPress

Sáng 12/7,chị Thu Minh,42 tuổi,cùng con trai 15 tuổi đến Viện Pasteur TP HCM tiêm nhắc vaccine ngừa bệnh bạch hầu,song nơi này tạm hết vaccine nên chị quay về. "Con trai đã tiêm ngừa hồi nhỏ lâu rồi chưa tiêm nhắc lại,còn bản thân tôi không nhớ rõ đã tiêm đủ liều chưa",chị nói,thêm rằng "đi tiêm lại cho chắc".

Bác sĩ Đinh Văn Thới,Trưởng Phòng khám Tiêm chủng,Viện Pasteur TP HCM,cho biết viện hết vaccine phòng bạch hầu từ chiều 11/7,do người dân đến tiêm tăng vọt những ngày gần đây.

"Số lượng tiêm trong ba ngày qua đã vượt cả tháng trước,Viện đang gấp rút mua sắm để bổ sung nguồn vaccine bạch hầu,tránh gián đoạn lâu",bác sĩ Thới cho hay.

Ba cơ sở tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC),nhiều cơ sở chủng ngừa dịch vụ của trung tâm y tế các quận huyện đều ghi nhận số lượt tiêm vaccine bạch hầu tăng,song chưa có thống kê cụ thể. Hệ thống tiêm chủng VNVC ghi nhận lượng người đến 187 trung tâm trong hệ thống tiêm các loại vaccine bạch hầu từ ngày 9 đến ngày 11/7 tăng hơn 1.000 % so với một tuần trước đó.

Hiện,những nơi này vẫn còn đủ vaccine bạch hầu đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân.

Bác sĩ tư vấn cho người dân đến tiêm ngừa tại Viện Pasteur TP HCM,ngày 12/7. Ảnh: Lê Phương

Bác sĩ Bạch Thị Chính,Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC,nhận định lượng tiêm bạch hầu tăng đột biến xuất phát từ tâm lý của người dân muốn phòng bệnh trong bối cảnh ba ca bạch hầu được ghi nhận ở Nghệ An và Bắc Giang.

10 ngày qua,chuỗi lây nhiễm 3 ca bạch hầu đã được ngành y tế ghi nhận,gồm nữ sinh Nghệ An (đã tử vong) lây cho cô gái 18 tuổi ở Bắc Giang và cô này lây cho cô 29 tuổi cùng quê. Điều tra dịch tễ cho thấy các bệnh nhân có lịch trình di chuyển phức tạp,qua nhiều tỉnh thành,tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ lây lan cộng đồng.

Bộ Y tế chiều 11/7 khuyến cáo người dân tiêm vaccine phòng ngừa bạch hầu,đặc biệt là tiêm cho trẻ với liệu trình 5 mũi vaccine.

Bác sĩ Lê Hồng Nga,Phó giám đốc HCDC,đánh giá nguy cơ bệnh bạch hầu lan truyền đến TP HCM là "có thể xảy ra" do thành phố có mật độ dân cư đông đúc,giao thông thuận lợi và thường xuyên đón du khách,lao động từ các tỉnh khác. Ca bạch hầu gần nhất TP HCM ghi nhận là vào năm 2020,bệnh nhân là người từ tỉnh khác đến thành phố sống.

"Tuy nhiên,khả năng mắc và lây lan bệnh phụ thuộc vào mức độ miễn dịch cộng đồng đối với bạch hầu",bà Nga nói,giải thích tỷ lệ miễn dịch cộng đồng càng cao thì nguy cơ mắc và lây lan bệnh càng thấp.

Việt Nam hiện không dùng vaccine đơn bạch hầu,chỉ dùng vaccine tổng hợp chứa thành phần kháng nguyên bạch hầu,tiêm cho trẻ em và người lớn.

Trong đó,vaccine 5 trong 1 (phòng bạch hầu,uốn ván,ho gà,viêm gan B,viêm màng não do Hib) hoặc 6 trong 1 (5 bệnh này kèm bại liệt),dùng cho trẻ em với liệu trình là tiêm 3 mũi cơ bản lúc 2-3-4 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi 4 khi trẻ 16-18 tháng tuổi.

Vaccine 4 trong 1 (ngừa bạch hầu,bại liệt) chỉ định cho trẻ 2-13 tuổi.

Vaccine 3 trong 1 (ngừa bạch hầu,uốn ván) tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên,tiêm cho thai phụ vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ để truyền kháng thể bảo vệ con khi chưa đến tuổi tiêm chủng.

Ngoài ra,còn có vaccine 2 trong 1 (ngừa bạch hầu,uốn ván) tiêm cho người từ 7 tuổi trở lên.

Việt Nam đang triển khai tiêm miễn phí 5 liều vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi,trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Trong đó,3 liều giúp tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới một tuổi và một liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi,một liều lúc trẻ 7 tuổi. Người lớn được khuyến cáo tiêm nhắc khoảng 10 năm một lần để duy trì kháng thể bảo vệ ở mức cao.

Các đơn vị dịch vụ tiêm chủng các loại vaccine này sẽ thu tiền,liệu trình tiêm không thay đổi.

Một người được tiêm vaccine bạch hầu tại Hệ thống tiêm chủng VNVC,tháng 7/2024. Ảnh: Phong Lan

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn,nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố. Bệnh dễ lây lan,nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời,có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh,thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi và những người chưa có miễn dịch với bệnh do chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đầy đủ.

Triệu chứng bạch hầu ban đầu là sốt,đau họng,khó chịu,mệt,ăn kém,da hơi xanh,sổ mũi một bên hoặc hai bên có thể lẫn máu. Sau khoảng 2-3 ngày,xuất hiện giả mạc ở amidan hoặc thành sau họng hoặc mũi với đặc điểm màu trắng ngà hoặc xám,bóng,dai,dính chặt,nếu bóc ra sẽ bị chảy máu.

Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với đồ vật dính dịch tiết của người bệnh. Do đó,phòng bệnh bằng cách vệ sinh thân thể và môi trường,tránh tiếp xúc với mầm bệnh,chủng ngừa đầy đủ.

Bác sĩ Thới khuyến cáo người dân nên đến các cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn,chỉ định phù hợp,xem cần tiêm nhắc thế nào hay phải tiêm lại từ đầu hay không,dựa trên lịch sử tiêm chủng trước đó. "Không nên quá hoang mang về bệnh bạch hầu mà quên tiêm vaccine ngừa những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như sởi,thủy đậu,viêm màng não,viêm não...",bác sĩ nhắc.

Lê Phương - Bảo Ngọc

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.
©版权 2009-2020 Mạng công nghệ thông minh    Liên lạc với chúng tôi SiteMap